Da thuần chay – Giải pháp cho ngành công nghiệp thuộc da siêu ô nhiễm

Trong báo cáo của ngành thời trang năm 2017 gồm 150 trang tại Hội nghị thượng đỉnh thời trang Copenhagen đã gây sự chú ý của thế giới thời trang. Khi đưa ra con số lượng rác thải thời trang có thể tới 148 triệu tấn vào năm 2030. Tương đương 17,5 kg rác thải bình quân đầu người trên toàn thế giới. Nhận định về ngành thuộc da động vật gây ô nhiễm môi trường hơn rất nhiều so với ngành công nghiệp thuộc da từ sợi tổng hợp.

NGÀNH CÔNG NGHIỆP THUỘC DA

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng da động vật là vật liệu hoàn toàn tự nhiên nên ít gây hại cho môi trường hơn là da làm từ các sợi tổng hợp, nhựa. Nhưng khi so sánh dựa trên các tiêu chí đánh giá như sự tiêu tốn tài nguyên nước, đất, lương thực, và phát thải khí nhà kính thì da bò cùng 3/5 loại da khác được cho là gây hại nhất đối với môi trường.

Trong một báo cáo có tựa đề Vật liệu may mặc bền vững của Viện Công nghệ Massachusetts, lượng phát thải khí nhà kính của ngành công nghiệp thuộc da hàng năm là khoảng 130 triệu tấn CO2 tương đương. Đây là lượng khí thải gây hại tương đương với lượng khí thải từ 30 triệu phương tiện giao thông mỗi năm. Mức độ ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuộc da động vật luôn bị nghi ngờ là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, khan hiếm nước và cạn kiệt tài nguyên, và nhiều yếu tố độc hại khác.

Ngành công nghiệp thuộc da tại Ma-rốc

Một báo cáo khác về chỉ số Bền vững Vật liệu HIGG của Liên minh Trang phục Bền vững - đo lường tác động cho đến thời điểm chế tạo - cho hầu hết các loại da có tác động là 159 (so với 44 của sợi polyester và 98 của sợi bông), do nó đóng góp nhiều vào sự nóng lên toàn cầu, sử dụng nước và ô nhiễm nguồn nước.

Những con la khắc khổ bị chất đầy da của đồng loại

NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐỘC HẠI

Thuộc da là giai đoạn độc hại nhất trong chế biến da. Với 90% các công đoạn sử dụng crom, muối crom và cồn để ngăn chúng phân hủy và tạo ra một loại da dẻo dai, bền màu. Sau đó chúng được thải ra môi trường, crom lẫn trong dòng nước và ngấm xuống đất, được cho là một trong những tác nhân gây ung thư. 

Lượng chất thải phụ trong quá trình thuộc da, gồm mỡ, lông, và thịt dưới da động vật sau khi bị phân hủy do hóa chất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Ấn Độ. Ảnh: Jahnavi Sen

Theo quy luật thông thường, việc thuộc một tấn da sống thường tạo ra 20 đến 80 mét khối nước thải với nồng độ crom hóa trị VI khoảng 250mg/l và nồng độ sunfua khoảng 500m/l. Chưa kể đến nước thải từ giai đoạn chuẩn bị và các loại thuốc bảo quản thường được thêm vào để giữ những tấm da không bị hoại tử trong quá trình vận chuyển. Và, có tới 70% khối lượng da sống không được xử lý cuối cùng sẽ bị vứt bỏ (lông, mỡ, thịt, gân).

Chính bởi vậy, điều này nguy hiểm đến mức các quy định nghiêm ngặt đã buộc phải đóng cửa các xưởng thuộc da ở Mỹ và châu Âu. Ở các nước đang phát triển, nước thải chưa qua xử lý, có khả năng chứa crom, chì, asen và axit, thường chảy trực tiếp kênh dẫn và đưa ra ao hồ, sông, suối.

Những đứa trẻ Banglades lao động trong các xưởng thuộc da. Ảnh www.hownowmagazine.com

Công nhân thuộc da, bao gồm cả trẻ em dưới 10 tuổi ở một số quốc gia là đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do tiếp xúc với những chất độc hại từ da. Các tác dụng cấp tính bao gồm kích ứng miệng, đường thở và mắt; dị ứng da; vấn đề tiêu hóa, thận hoặc tổn thương gan; ung thư dài hạn và các vấn đề liên quan tới sinh sản.

Chưa kể tới, công nghiệp thuộc da có thể là nguyên nhân gây ra những vấn đề như ngược đãi động vật, và giết mổ thô bạo.

DA THUẦN CHAY TỪ… LÁ XƯƠNG RỒNG!

Hội chợ Đồ da Quốc tế Lineapelle 2019, diễn ra vào tháng 10 tại Milan, Ý. Hai anh em Adrián López Velarde và Marte Cázarez đến từ Mexico đã trưng bày sản phẩm da thuần chay làm từ loài cây xương rồng bản địa tại phiên cuối cùng của hội chợ. Tên thương mại là Desserto, và da thuần chay có các tính năng cạnh tranh so với da động vật hoặc da tổng hợp, như độ đàn hồi, có thể tùy chỉnh kích thước.

Sản phẩm da thuần chay làm từ cây xương rồng

Ngay lập tức sản phẩm của họ đã thu hút du khách tham quan và các nhà sản xuất.

Với mục đích tạo ra một giải pháp thay thế da động vật nhưng bền vững, không có bất kỳ hóa chất độc hại nào, thân thiện môi trường.

Anh em Adrián López Velarde và Marte Cázarez và sản phẩm da thuần chay. Ảnh Theeducationmagazine.com

Ý tưởng sử dụng xương rồng làm nguyên liệu được hình thành vì loại cây này không cần nước để phát triển và có rất nhiều ở khắp đất nước Mexico. Ngoài ra, về mặt biểu tượng, xương rồng đại diện cho người Mexico.

Những sản phẩm từ da thuần chay được người tiêu dùng đón nhận _ Ảnh indulgexpress.com

Kết quả là da từ cây xương rồng có thể phân hủy sinh học toàn phần và có các thông số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của ngành thời trang, ngành đồ da, đồ nội thất và thậm chí cả ô tô. Nhờ khả năng chống chịu cao và độ bền (tối thiểu) 10 năm, da thuần chay Desserto có thể thay thế da động vật và các vật liệu tổng hợp khác không thân thiện với môi trường.

Không những vậy, tác động tích cực đến môi trường của ngành da thuần chay có thể giảm 32 đến 42% chất thải nhựa, tiết kiệm 20% lượng nước tiêu thụ.

Nông Nghiệp Sạch hi vọng, tại Việt Nam chúng ta cũng sẽ sớm có những sáng chế vật liệu thân thiện môi trường từ chính những cây trồng quanh ta, như xương rồng, hay dứa, đay, gai... Bởi bảo vệ trái đất là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Ngô Đức Thọ

Huy Trần
 

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments