Làng chài Đằng Châu vào mùa cá mòi

Hàng năm, cứ vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch là bà con dân chài bến đò thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên nhộn nhịp vào vụ đánh bắt cá mòi.

Cá mòi được xem như đặc sản của Hưng Yên. Cá mòi là loại cá khá lạ, sống ở biển, đến mùa mưa xuân rơi làm ấm mặt sông, cá mòi ngược dòng về sông. Cá mòi có màu trắng, mình dẹt, vảy nhỏ, da cá bóng mỡ màng, thịt cá mềm, có nhiều xương nhỏ và mềm. Thịt cá có vị thơm bùi, ngậy kích thích khẩu vị người ăn có lẽ bởi cá thấm đậm cái vị mặn mòi của biển, của phù sa sông Hồng.

Cá mòi được ngư dân đánh bắt tại bến đò Đằng Châu

Cá mòi sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ tới mùa xuân, mùa sinh sản chúng mới trở về. Cá cái phải vượt dòng nước chảy trở về nơi mình sinh ra trước kia vào đúng mùa xuân để đẻ trứng như một quy luật sinh tồn. Có lẽ bởi vậy mà mùa xuân cũng là mùa mà các ngư dân vùng sông Hồng gọi là mùa cá mòi của năm.

Bến đò thôn Đằng Châu phường Lam Sơn là nơi sinh sống của gần 30 gia đình làm nghề chài lưới, đánh bắt cá mòi bằng thuyền máy và thuyền nan nhỏ.

Trong làng, nhiều gia đình 3 thế hệ gắn bó với nghề chài lưới. Người dân  đánh cá quanh năm, lao động trong gia đình thay phiên nhau thả lưới đánh bắt cả ngày lẫn đêm. Ca sáng từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Ca tối bắt đầu từ lúc mặt trời lặn, đánh cá mòi buổi tối vất vả nhưng đổi lại được những mẻ cá nặng. Vì lúc chập choạng tối là lúc cá ăn đêm.

Người dân tháo gỡ lưới sau khi đánh bắt cá

Cá mòi được đánh bắt bằng phương pháp thủ công là thả lưới. Cá mòi là loại cá tinh nhanh, các loại lưới thông thường đều bị chúng phát hiện. Do đó, loại lưới bắt cá là lưới mắt nhỏ, được đan kín. Cá mòi thường sống ở độ sâu từ 3 - 6m vào ban ngày khoảng từ 1 - 2m vào ban đêm. Vì vậy đa số các hộ dân đều đánh bắt cá vào khoảng chiều tối.  Ngoài lưới, đèn, phao, nhiều hộ gia đình còn mang theo thức ăn trên thuyền.

Các ngư dân đánh cá mòi có đặc điểm màu da nâu, cháy nắng, đôi tay rắn khỏe, cơ bắp. Trung bình mỗi mẻ lưới cho thu từ 5 - 7kg, có những mẻ thu đến 20kg. Giá bán cá mòi ở thời điểm hiện tại là 25.000- 30.000 nghìn đồng/kg. Cá mòi được bán ở chợ Phố Hiến  hoặc được các tiểu thương thu mua lên Hà Nội, Quảng Ninh… để bán.

Cá bắt đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó

Vào vụ cá mòi, bến đò trở thành chợ cá ven sông để bán lẻ và bán buôn đi các chợ ở trong và ngoài tỉnh. Trên gương mặt của các ngư dân vừa trở về, nhiều người không dấu nổi sự  mệt mỏi, nhưng cũng không ít người vui mừng vì đánh được mẻ cá lớn. Thuyền chài vừa cập bến ít phút nhưng số lượng cá đã được bán hết. Theo những người dân nơi đây, cá đánh đến đâu là bán hết đới đó không có tình trạng cá bị ươn hay ế.

Bà Trịnh Thị Thơm (60 tuổi) thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn cho biết: “Gia đình tôi đã có 30 năm đánh cá trên sông. Nghề đánh cá mòi là nghề vất vả. Ngày nhiều gia đình cũng đánh được cả tạ cá nhưng có ngày cũng chỉ được vài chục kg. Trung bình, mỗi ngày cũng kiếm được 400.000 - 600.000 nghìn đồng. So với mọi năm, giá cá mòi năm nay có cao hơn chút đỉnh".

Người dân làng chài tranh thủ nghỉ ngơi trước khi đánh bắt cá

Cá mòi có rất nhiều cách chế biến. Cá mòi cuộn thành chả, rán giòn, bỏ vây, làm sạch, băm nhỏ, dậy lên hương vị thôn quê thơm lừng… Hoặc băm viên cá, đem nấu canh su hào, canh dưa. Chỉ cần thêm chút gia vị, là món canh đã thơm lừng, hấp dẫn. Ngoài nhãn lồng Phố Hiến, tương làng Bần, ếch om Phượng Tường, bánh tẻ Văn Giang… nhắc tới Hưng Yên nhiều người nghĩ ngay tới món cá mòi - một thứ đặc sản dân dã chỉ sẵn có vào những ngày xuân.

Mặc dù sản lượng cá không nhiều, hoạt động đánh bắt thủ công song nghề đánh cá ở đây vẫn luôn được người dân duy trì. Người dân phường Lam Sơn coi nghề đánh cá là nghề truyền thống, nghề đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân trong thôn.

Vũ Vân

Huy Trần
 

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments